"Với tôi, 58 Quán Sứ là một địa chỉ vàng…"
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quốc Liên, nhà nghiên cứu lý luận tả xung hữu đột trên mặt trận văn học- nghệ thuật, vừa trình làng cuốn sách Thời sự và suy ngẫm (NXB Văn học,2011) tuyển chọn hơn 100 bài báo ngắn ông viết thời gian gần đây.
Độc giả từng có dịp đọc bài của Mai Quốc Liên trên nhiều báo và tạp chí trong Nam ngoài Bắc, song phần lớn là những bài nghiên cứu, phê bình, luận chiến, thể thời luận ngắn gọn kiểu này nơi ông mới xuất hiện gần đây. Ông lý giải: "Do việc mưu sinh, kiếm tiền đi chợ cho bà xã, mà tôi nhận viết mỗi tháng bốn bài cho một tờ báo. Số tiền nhuận bút cũng ưu hậu, nên tôi phải ráng hết sức…"
Cầm cuốn sách, lướt qua Mục lục (rất nhiều bài tôi đã đọc khi mới in trên báo), tôi vừa bâng khuâng vừa hứng khởi. Có phần tủi thân khi nghĩ cái nghiệp mà mình đeo đẳng, coi như mục tiêu của cả đời người, bạn bè đến chỉ bởi cần kiếm thêm đồng tiền chợ cho nội tướng. Lại rất vui, đội lính cuốc cày báo chí vừa bổ sung một phu chữ tên tuổi, làm hùng hậu thêm đội ngũ ký giả chuyên và không chuyên của nước nhà.
Tại một phiếm luận viết nhân Ngày Báo chí Việt Nam cách đây khá lâu, tôi có ví vui báo chí với thể dục thể thao. Trong thể thao, có thể thao phong trào, mọi người cùng tham gia "khỏe vì nước" (" Khỏe vì nước, kiến thiết quốc gia …", câu mở đầu bài hát vận động phong trào thể dục thể thao rất phổ cập một thời.); có thể thao đỉnh cao chuyên rèn những đấu thủ sẵn sàng giật giải quán quân. Báo chí có ký giả chuyên nghiệp và đội ngũ không chuyên là các cộng tác viên, trong số này xuất hiện ngày càng nhiều cây bút bản lĩnh cao, học vấn dày, chuyên môn sâu, được độc giả đón chờ. Một số tác phẩm họ giành được Giải Báo chí quốc gia.
Trong khi đội ngũ ký giả chuyên nghiệp luôn xứng đáng nòng cốt hùng hậu của đội quân văn hóa tư tưởng, cũng có người một khi đã yên vị trong nghề thì dần dà bớt học, ít nghĩ, ngại xông xáo, cứ tựa vào uy danh truyền thống của báo nhà mà làm ăn ngày rộng tháng dài. Giả sử có dịp đấu thủ đỉnh cao và đấu thủ phong trào cùng lên vũ đài tỉ thí, dễ cá cược bên nào sớm bị "nốc ao" ngay từ hiệp một.
Làm báo thời thị trường và hội nhập, hợp thời thế thế thời phải thế. Đội ngũ nhà báo đâu phải chỉ gồm những người ăn lương ký giả, nó rộng mở vòng tay đón chào bất kỳ ai có tài có đức, tâm huyết với nước với dân, thời a còng @ thế tất phải thế.
Báo chí có đội ngũ nghiệp dư mạnh là hiện tượng đáng mừng - ở đây khoanh lại trong báo chí truyền thống, báo mạng điện tử có đặc trưng riêng, xin bàn dịp khác. Tôi từng dăm ba lần, gặp dịp là khẳng định xác tín của mình, rằng các bậc thức giả, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, trước hết các nhà văn rất nên viết báo. Đó là cách cởi mở thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trước thời cuộc, cũng là vun quén chế độ dân chủ cực kỳ thực chất song còn khiếm khuyết của chúng ta.
Ngay từ lúc đặt nền móng chế độ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết tha kêu gọi đồng bào cùng tham gia việc
nước, mỗi người theo cách thức, năng lực và phương tiện của mình. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trước sau là vì dân và đều do dân thực hiện, rất cần sự đồng thuận của xã hội. Diễn đàn báo chí khơi dòng kênh thuận tiện cho mọi người bày tỏ chính kiến, xây dựng chính sách, kiểm tra việc thi hành chính sách. Cũng là một cách nhắc nhở lẫn nhau hãy mau gột bỏ tư duy lỗi thời, quen coi ai nói giống ta là bạn ta, ai có ý kiến không hợp ta chưa hẳn là bạn ta. Mọi ý kiến đều được trân trọng lắng nghe, chỉ cần xuất phát từ mẫu số chung: đặt lợi ích của nước của dân lên trên hết. Giáo sư Tiến sĩ Mai Quốc Liên là cây bút quen thuộc, ông tự coi là nhà báo không chuyên thì tùy (theo lời ông bộc bạch, "thất thập" tóc bạc rồi rồi mới đều đều thời luận), tôi gọi ông ông Tổng biên tập tờ Hồn Việt của Hội Nhà văn Việt Nam là chuyên chắc không sai.
Tác giả mở đầu bằng chuyện áo cơm song lại thổ lộ: "Khi cầm bút, tự nhiên tâm huyết, tâm tình ập đến, nhất thời quên đi hết, chỉ còn biết câu chữ". Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn, điều tiên hiền Nguyễn Trãi trăn trở từ năm trăm năm trước nay hậu sinh tâm đắc. Chủ đề các bài thời luận của Mai Quốc Liên khá đa dạng, từ những sự kiện văn hóa như khai mạc một Festival, bộ phim mới trình chiếu, kỷ niệm văn nhân tiền bối, Đại hội nhà văn, ngàn năm Thăng Long Hà Nội… qua WTO, hội nhập, thương hiệu, "bão giá", nông dân, biển đảo… tới chuyện bên Nga bên Mỹ như kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười, ông Obama 100 ngày cầm quyền…, đã gọi "thời sự" thì có việc gì chẳng gợi nên ý tứ cho ta "suy ngẫm"! Hơn thế, không chỉ trầm tư, ông đề xuất nhiều ý kiến "độc" về vấn đề này hiện tượng nọ.
Tôi không có ý nói mọi bài báo ngắn của nhà học giả đều là tuyệt tác, và đã gọi "suy ngẫm" đương nhiên và trước hết mang dấu ấn cá nhân, rồi người đọc rộng đường chia sẻ, đồng tình hoặc phản bác thậm chí giận dỗi bất bình, cái quan trọng là đau đáu tấm lòng người viết đối với đất nước, xã hội, cộng đồng. "Suy ngẫm" của Mai Quốc Liên nhìn chung thấm đượm tinh thần ấy. Theo tôi, đó là cái đáng trân trọng nhất của văn chương xưa cũng như nay. Người cầm bút dù sống vào thời đại nào đều phải ghi lòng tạc dạ: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (Nguyễn Du)./.