Thursday 16 February 2012

Chuong trinh Vietnams Got Talent Xem ra ngam dang nuot cay the nao

Hot Girl | loa | may nghe nhac | gia de hang | binh nong lanh | dien toan dam may |

1. Được tạo ra tại Anh, nhưng chương trình tìm kiếm tài năng này lên sóng truyền hình của Mỹ vào tháng 6/2006, với tên gọi Americam's Got Talent. Năm 2009, chương trình tìm kiếm tài năng thật sự gây choáng váng tại Anh với việc phát hiện ra Susan Boyle. Một trong những biểu tượng cho những người đam mê ca hát nhưng lại không được thuận lợi bởi ngoại hình và tuổi tác.

Rất nhanh chóng, nhãn hàng dầu gội đầu Rejoice tài trợ để ai đó mang chương trình này về Việt Nam với tên gọi "Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam's Got Talent". Có lẽ, sau khi thất bại trong chiến dịch quảng bá sản phẩm bởi cô cựu hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thúy, bị cư dân mạng ném đá bởi cách xưng hô vô lễ trong đoạn quảng cáo Rejoice, nên thương hiệu này tiếp tục cầu may bằng cách tài trợ cho chương trình tào lao Vietnam's Got Talent.

Trải qua những vòng thi đầu tiên, cái để lại cho dư luận xung quanh cuộc thi này chính là sự… phản ứng của khán giả xem truyền hình đối với Ban giám khảo (BGK) của cuộc thi. Đầu tiên, BGK bao gồm, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, người mẫu Thúy Hạnh và nhạc sĩ Huy Tuấn. Sau, nhạc sĩ Tường Vân thay thế Huy Tuấn và nhanh chóng rời ghế BGK để nhường lại cho chính… Huy Tuấn.

Người xem Vietnam's Got Talent cho rằng họ không tìm kiếm được cá tính của BGK, điều mà họ đang rất mong đợi. Nghệ sĩ Thành Lộc có vẻ giận, nên anh bảo: "Khán giả Vietnam's Got Talent đang quá đà, bởi mọi người cứ thích BGK đi theo luật của họ. Mọi người nên nhớ, mọi người đang xem chương trình đó thì phải theo luật của tôi".

Nghệ sĩ Thành Lộc nói rất chính xác về điều này, làm giám khảo của một chương trình có xét đến việc thắng thua, thì dẫu có đậm chất giải trí hay hàn lâm, thành viên BGK nhất thiết phải kiên định. Không may là trong một số trường hợp, không phải ai kiên định cũng đều may mắn. Điển hình nhất là trước đây, nhạc sĩ Trần Tiến từng phải "đi công tác đột ngột" vì những nhận xét không vừa lòng dư luận trong cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ.

Thế nhưng, việc phản ứng lại khán giả xem đài một cách bạo liệt như cái cách mà nghệ sĩ Thành Lộc biểu hiện, tôi cho rằng là trên mức cần thiết. Bởi việc ngồi vào ghế BGK của một cuộc thi nào đó, thành viên BGK cần đủ tỉnh táo để chấp nhận phản hồi hai chiều, cả khen lẫn chê. Và dư luận có cái quyền đẩy đưa thông tin hai chiều ấy.

Thậm chí, trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo, người ta còn đùng đùng đòi thay đổi BGK của cuộc thi, khi họ cho rằng BGK quá ưu ái cặp đôi Đàm Vĩnh Hưng - Kim Thư.

Vì vậy, câu trách móc của nghệ sĩ Thành Lộc khiến tôi nhớ đến sự hờn giận của Đàm Vĩnh Hưng trong Cặp đôi hoàn hảo, lúc Đàm Vĩnh Hưng bảo: "Nhiều người cứ lên tiếng chỉ trích này kia, thật tàn nhẫn, khắc nghiệt. Họ không thấy sự cố gắng của người khác. Muốn biết thì cứ bước tới chơi thử sẽ biết liền. Người ta làm chương trình cho coi còn chê bai, giày xéo người ta. Những loại tin nhắn, bình luận kiểu đó Hưng bỏ sọt rác, không bao giờ xem".

Thúy Hạnh bật khóc khi nghe thí sinh hát ca khúc "My Heart Will Go On".

2. Thật tình mà nói, ấn tượng duy nhất của tôi trong cuộc thi buồn tẻ và đáng chán Vietnam's Got Talent chính là những giọt nước mắt của người mẫu Thúy Hạnh. Thúy Hạnh từng là người mẫu đình đám trên sàn catwalk Việt. Về sau, dư luận biết đến chị nhiều hơn với vai trò người dẫn chương trình, vợ của nhạc sĩ Minh Khang... Và phải lâu lắm rồi, cái tên Thúy Hạnh mới được nhắc đến nhiều đến vậy khi chị trở thành thành viên của BGK cuộc thi Vietnam's Got Talent.

Có cảm giác rằng, Thúy Hạnh ngồi ở vị trí BGK, chủ yếu là để biểu thị những xúc cảm trên khuôn mặt nhằm minh họa cho phần trình diễn của thí sinh nào đó. Chị hết nhăn mặt, tròn mắt, vung tay, sợ hãi... xong chị bật khóc.

Thí sinh nhỏ tuổi, hát một bài hát tiếng Anh, nghe hay hay, chị bật khóc. Tôi không hiểu tại sao chị có thể bật khóc khi nghe cậu bé ấy hát. Có thể, đây là bài hát yêu thích của chị, nên chỉ cần nghe ai đó cất tiếng, cảm xúc xưa ùa về, nên chị khóc. Cũng có thể, với chị, cậu bé ấy là tài năng đích thực nên trái tim chị thổn thức và nước mắt tự nhiên chảy ra.

Hay đơn giản hơn, cũng có thể nước mắt đã chuẩn bị sẵn, chỉ cần có thời điểm thích hợp, chị sẽ khóc. Nhiều diễn viên lành nghề, có thể bật khóc ngay khi… chẳng ai làm gì mình cả.

Rồi, thí sinh nào đó trong cuộc thi, trình diễn phần thi bằng xe đạp địa hình. Một trò thể thao được xếp vào danh mục nguy hiểm. Để tăng phần kịch tính, thí sinh này mời Thúy Hạnh nằm sãi lai trên sân khấu để thí sinh biểu diễn màn nhún nhẩy bằng xe đạp.

Thúy Hạnh đồng ý làm chướng ngại vật. Kết quả, cô khóc vật vã trên sân khấu sau phần thi của thí sinh.

Khi sợ hãi, người ta có thể khóc. Đó là phản ứng thông thường và hẳn nhiên. Thế nhưng, tại sao Thúy Hạnh không từ chối trước khi tự đưa mình vào chuyện đã rồi để nước mắt lại như mưa.

Hay nói theo như Thúy Hạnh là "Đây là phần chơi rất mạo hiểm. Có lẽ vì tôi nhát quá nên sợ bạn thí sinh điều khiển xe chạm vào người tôi. Dù vậy, tôi thấy thích".

Vậy đó, thích thì thích còn khóc là khóc. Có những người khóc trước khi thích và thích trước khi khóc. Cũng may là còn có nước mắt, chứ không thì tôi biết để nỗi nhớ Thúy Hạnh vào đâu cho hợp lý(?!).

Thúy Hạnh trả lời phỏng vấn, Thúy Hạnh bảo chị không diễn khi khóc. Tức là, chị khóc rất tự nhiên, khóc không toan tính, khóc không suy nghĩ, khóc mà không cần quan tâm ống kính truyền hình lẫn ống kính máy ảnh có đang chĩa vào khuôn mặt nhòa lệ của mình hay không.

Chị bảo, tại khán giả xem chương trình trên sóng truyền hình là phần đã được biên tập lại rồi, nên cảm xúc không thật như xem trực tiếp. Còn chị, sống với cảm xúc do thí sinh mang lại rất đời thường, thì sao mà chị không khóc cho được. Với lại, 160 tiết mục, mà chị chỉ khóc có 2 lần, thì đâu có gì là quá nhiều.

Hẳn nhiên, 2 cảnh khóc trong số 160 tiết mục là không nhiều. Nếu không muốn nói là rất ít. Thúy Hạnh khóc thêm vài lần nữa vẫn không là quá nhiều được. Tiếc rằng, cái thiểu số của chị đã được Ban tổ chức chương trình tận dụng tối đa.

Quan trọng hơn chính là, người ta không hiểu hà cớ làm sao chị lại khóc(?!).

Và nếu như chị bảo, nước mắt chị là nước mắt tự nhiên, thì câu trả lời của chị trong một cuộc phỏng vấn lại càng khiến người ta nghi ngờ: "Tôi thấy khán giả dường như chưa hiểu rõ hết luật chơi của Got Talent, những người đưa ra nhận xét có khi lại chưa hiểu hết "về tính chất và phiên bản truyền hình thực tế này", đặc biệt là vai trò của từng thành viên BGK.

Chẳng hạn như nhiều người bảo tôi vô duyên hay có hành động khó hiểu khi giành quyền nhấn nút của các giám khảo nam, nhưng thực tế, đó là một trong những việc mà chuyên gia quốc tế của Got Talent đã khuyến khích tôi làm, nhất là trong trường hợp các vị giám khảo nam còn đắn đo khi đưa ra quyết định. Hành động này sẽ giúp tạo thêm kịch tính cũng như không khí cho trường quay. Tôi xin nhắc lại tất cả những điều chúng tôi thể hiện đều được cho phép trong chương trình".

Rõ ràng, mọi thứ là do chuyên gia quốc tế của Got Talent khuyến khích chị làm và mọi thứ đều được cho phép trong chương trình để tạo thêm kịch tính lẫn không khí cho trường quay.

Liệu, chị có muốn nói gì thêm về cảm xúc của nước mắt với tôi nữa hay không(?!).

Thúy Hạnh lại khóc khi trở thành chướng ngại vật cho thí sinh.

3. Chiều qua, đoạn clip về thí sinh Nguyễn Hoàng Tú nuốt cá kèo sống được lan truyền với tốc độ của một cơn lốc xoáy trên mạng Internet. Tất cả các trang báo mạng đều giật tít "Sốc (hay hoảng hốt) với màn nuốt cá kèo sống của thí sinh Tìm kiếm tài năng Việt".

Tôi xem clip ấy và đúng là sốc thiệt, rất sốc. Những con cá kèo sống được đựng trong lọ thủy tinh, còn quẫy đuôi bắn nước tung tóe được thí sinh Nguyễn Hoàng Tú dùng khăn, nhét đầu cá vào miệng, ngậm vài giây rồi vuốt mặt, vuốt cổ họng từ từ… nuốt hết con cá.

Tú kể, đây là tuyệt chiêu mà một người thân của Tú đã dạy cho Tú để Tú đi biểu diễn. Con cá kèo sau khi bị Tú nuốt sống, sẽ còn vẫy vùng trong bụng Tú khoảng 5 phút trước khi… chết thiệt.

Lần này, Thúy Hạnh đã không khóc. Thấy khuôn mặt chị biểu thị cảm giác vừa sợ vừa phấn khích.

Vẫn theo lời chị kể, thì trong chương trình Vietnam's Got Talent, có thí sinh còn ăn cả thịt sống, xé cóc nhái ăn trên sân khấu, khiến BGK lẫn khán giả xem trực tiếp đều muốn ói.

Đoạn clip này đã không được lan truyền trên mạng. Tôi tin rằng, Đài truyền hình quốc gia Việt Nam, sẽ không cho phát sóng phần thi kinh dị này.

Thế nhưng, lần nuốt cá kèo sống của Nguyễn Hoàng Tú thì khác. Đoạn clip về thí sinh nuốt cá kèo sống đã được loan tải như là chiến tích rực rỡ của Vietnam's Got Talent.

Sau bao nhiêu ngày im hơi lặng tiếng, Vietnam's Got Talent đã cho trình làng một clip chuẩn về hình ảnh lẫn chất lượng, ghi lại cận cảnh khoảnh khắc như thời nhân loại ăn uống lúc chưa tìm ra lửa.

Tôi nhớ trước đây, nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng, từng phải nhai cá sống để cho chân thật trong một cảnh quay ở bộ phim truyền hình dài tập "Người đẹp Tây Đô". Giờ, hậu sinh đã nuốt luôn cả cá kèo. Xem sởn cả gai ốc, nhưng vẫn không ghê rợn bằng lần này.

Cẩn thận hơn, Ban tổ chức cuộc thi đã cho chạy dòng chữ khuyến cáo, không nên thử làm dưới mọi hình thức.

Một vài trang báo mạng, tuyên dương hành động của Tú là nhằm cho bạn bè thế giới thấy người Việt Nam có thể làm được nhiều điều phi thường. Tôi không biết khi viết những dòng chữ to tát ấy, đồng nghiệp của tôi có đỏ mặt hay không.

Nguyễn Hoàng Tú đã phải khổ luyện để có thể nuốt cá kèo sống mà không gặp những chấn thương vòm họng. Cũng như nhiều người bạn theo nghề biểu diễn hè phố của tôi từng nuốt rắn, hay nhai thủy tinh… Tất cả chỉ đạt được sau lúc trải qua một hành trình luyện tập gian khó.

Nhưng, với chiến tích mà Vietnam's Got Talent đang ngạo nghễ mời chào dư luận, thì thiết nghĩ, họ sẽ có được nhiều hơn nếu cử người sang các bộ lạc còn duy trì phương thức sinh sống thời tiền sử tại các khu rừng rậm ở châu Phi.

Cho đến giờ, tôi không thể hiểu tại sao tiết mục của Tú được lan truyền rộng rãi với nhãn hiệu đóng dấu của VTV3.

Tú hoàn toàn không có lỗi trong chuyện này. Tú là thí sinh, Tú có quyền trình diễn bằng tất cả khả năng của mình. Thế nhưng, những người tổ chức chương trình lẫn đơn vị liên kết phát sóng, nghĩ như thế nào mà tung hô một tiết mục tàn nhẫn đến vậy(?!).

Thêm một lần nữa, tôi thất vọng toàn tập đối với một chương trình truyền hình mà người ta gọi rất kêu là Tìm kiếm tài năng Việt


Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment

Related posts